Các bạn đã hoặc đang sinh sống ở Nhật chắc hẳn cũng đã từng nghe qua đến 2 từ này rồi, tuy nhiên có lẽ chỉ có số ít người hiểu được ý nghĩa tường tận của Honne và Tatemae. 2 khái niệm Honne và Tatemae có vai trò rất quan trọng trong xã hội Nhật Bản và được áp dụng vào nhiều tình huống khác nhau trong đời sống thường nhật. Các bạn hãy cùng BETONAMUJIN.JP tìm hiểu về Honne và Tatemae nhé!
Tatemae (建前) viết bằng 2 Hán tự gồm chữ “tate” (建- Kiến) nghĩa là “xây dựng” và chữ “mae” (前- Tiền) nghĩa là “phía trước”. Gộp tại từ Tatemae sẽ có nghĩa đen là khung nhà, tuy nhiên lại không mấy người quan tâm đến ý nghĩa này bằng nghĩa văn vẻ của nó là “Những biểu hiện bên ngoài, những cách đối nhân xử thế” với người đối diện mình.
Nếu có người Nhật nói với bạn rằng “今度うちに行ってくださいね。” ( Lần tới hãy đến nhà tôi chơi nhé) thì đây 90% là Tatemae, lời mời xã giao vì “lần tới” là 1 khoảng thời gian vô định và nếu bạn ngỏ lời muốn đến thật thì họ sẽ tìm một lý do để từ chối. Tatemae được thể hiện rõ nhất trong văn hóa Nhật khi mà họ ít khi từ chối thẳng nhưng thường nói vòng vo rằng họ rất muốn làm nhưng vì lý do ngoại cảnh mà không thể thực hiện được. Đặc biệt, Tatemae được sử dụng phổ biến trong môi trường kinh doanh, bởi nó giúp việc đàm phán, xây dựng các mối quan hệ dễ dàng hơn.
Người Nhật có thật sự “giả tạo”?
Ở Nhật, Tatemae là một phần văn hóa đặc trưng bởi vì nó phản ánh bản chất quan tâm đến cảm xúc và suy nghĩ của đối phương của người dân xứ Phù Tang. Họ sợ rằng khi nói thẳng những suy nghĩ của mình hay từ chối trực tiếp những lời mời từ người khác sẽ khiến họ bị tổn thương và làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa 2 bên. Nhất là trong giới kinh doanh, người nào càng nhuần nhuyễn trong việc sử dụng Tatemae thì công việc sẽ càng thuận lợi.
Ở Việt Nam cũng vậy, chúng ta cũng có văn hóa mời xã giao tương tự Nhật Bản mà hay được gọi là “mời rơi”. Văn hóa “mời rơi” này về bản chất cũng tương tự Tatemae, những câu nói này được sử dụng với mục đích lịch sự như “Khi nào rảnh thì đi cafe nhé”, “Hôm nào sang nhà tôi ăn cơm nhé”. Tuy nhiên đối với văn hóa phương Tây, nơi mà mọi người coi trọng sự thẳng thắn và rõ ràng, thì khi tiếp xúc với văn hóa này chắc chắn sẽ cảm thấy “sốc” và đôi khi cảm thấy khó chịu.
Khó nhất khi đối mặt với văn hóa này là phải biết cách phân biệt khi nào người Nhật đang sử dụng Honne và khi nào họ đang sử dụng Tatemae với chúng ta để có thể phản ứng phù hợp. Để trả lời cho vấn đề này, chúng mình có thể nói rằng, nó phụ thuộc nhiều vào độ nhạy bén của bạn và những kinh nghiệm đối nhân xử thế bạn đã trải qua. Bạn hãy cố gắng quan sát thật kỹ những biểu cảm, phong thế của họ khi nói chuyện nhé!
0 Comments